Vận đơn là gì? Có bao nhiêu loại vận đơn? Các thông tin liên quan

731 lượt xem

Vận chuyển hàng hóa là khâu cốt yếu giúp tạo ra giá trị gia tăng hàng hóa và không thể thiếu trong hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, hoạt động vận tải đã góp một phần không nhỏ, mang tính quyết định về thời gian, chất lượng và giá thành sản phẩm. Trong khâu này, chứng từ, vận đơn có vai trò rất quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua. Vậy vận đơn là gì? Chức năng của vận đơn thế nào? Có những loại vận đơn nào được dùng? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết nhất.

Nội Dung

Vận đơn là gì?

Vận đơn hay vận tải đơn là một loại chứng từ vận tải do người vận chuyển hay thuyền trưởng, đại lý của người vận chuyển ký phát sau khi hàng hóa được xếp lên thuyền hoặc được nhận và chờ xếp lên tàu.

Vận chuyển sử dụng vận đơn đã được thực hiện từ thế kỷ 19 tại các nước châu Âu và phát triển mạnh mẽ sau đó.

Vận đơn là gì
Vận đơn là một loại chứng từ vận tải

Vận đơn có chức năng gì?

Vận đơn được xem như bằng chứng xác thực hợp đồng vận tải đã được ký kết và nêu rõ nội dung trong đó. Thông qua đó, nó giúp xác định quan hệ pháp lý giữa người vận tải với chủ hàng, đặc biệt là quan hệ pháp lý giữa người vận tải với người nhận hàng.

Vận đơn cũng được coi là biên lai của người vận tải để xác nhận hàng chuyên chở. Người vận tải sẽ chỉ giao hàng cho ai xuất trình vận đơn đường biển hợp lệ đã được họ ký phát trước đó.

Ngoài ra, nó cũng là một chứng từ xác nhận quyền sở hữu với những hàng hóa đã ghi trên vận đơn. Do đó, đây là một loại giấy tờ rất giá trị, có thể dùng trong các trường hợp cầm cố, chuyển nhượng, mua bán.

Chức năng của vận đơn
Chức năng của vận đơn

Phân loại vận đơn

Tùy theo từng điều kiện mà vận đơn sẽ được phân loại như sau:

Vận đơn theo quan hệ trả hàng

+ Vận đơn chủ (Master Bill of lading): là chứng từ thể hiện thông tin lô hàng giữa các đại lý vận tải và được phát hành bởi hãng vận chuyển hàng không hoặc tàu.

Thông tin trên vận đơn gồm: tên người gửi/nhận hàng; tên phương tiện vận chuyển, số bill, cảng đi/đến, số kiện, trọng lượng/khối lượng; ngày lên tàu,….

+ Vận đơn thứ (House Bill of lading): là chứng từ nêu thông tin lô hàng vận chuyển giữa 2 bên xuất và nhập khẩu, được phát hành bởi công ty vận chuyển không có phương tiện, thường là do Forwarder phát hành.

Thông tin trên bill gồm: tên người/nhận hàng; phương tiện vận chuyển, số bill, cảng đi/đến, số kiện, trọng lượng/khối lượng; ngày lên tàu,….

Vận đơn dựa vào khả năng lưu thông

+ Vận đơn theo lệnh (To Order B/L): là loại vận đơn không ghi rõ tên người nhận hàng mà điền là “theo lệnh” hoặc theo lệnh của ai đó được người giao hàng chỉ định phát hàng. Vận đơn theo lệnh có thể chuyển nhượng bằng cách người có quyền phát lệnh trả hàng ký hậu. Nếu vận đơn không được ký hậu thì chỉ người có có quyền phát lệnh trả hàng mới nhận được hàng từ bên vận chuyển. Loại vận đơn này áp dụng hình thức thanh toán LC.

+ Vận đơn đích danh (Straight B/L): được ghi rõ thông tin nguồn gửi và nhận hàng thực tế. Chỉ người có tên trên vận đơn mới được nhận hàng. Loại vận đơn này sẽ không thể chuyển nhượng.

+ Vận đơn vô danh (Bearer B/L): là loại vận đơn bỏ trống tên người nhận hàng. Người vận chuyển có thể giao hàng cho bất kỳ ai xuất trình được vận đơn. Vận đơn này được chuyển nhượng bằng cách trao tay.

+ Switch bill of lading: là vận đơn được chuyển đổi từ bộ vận đơn thực tế thành bộ vận đơn khác theo yêu cầu của người gửi hàng. Loại vận đơn này thường dùng cho các trường hợp mua bán ba bên, còn gọi là Triangle, nhằm tạo sự thuận lợi cho việc thanh toán tiền hàng, giấu xuất sứ hàng, người bán hàng, đôi khi dùng để tránh thuế, giảm thuế với hàng hóa xuất – nhập khẩu và các quy định của các quốc gia. Switch bill of lading dùng trong vận chuyển đường biển.

Nội dung của vận đơn

Nội dung trên vận đơn cơ bản sẽ gồm các thông tin sau:

+ Tên, địa chỉ người vận tải, các chỉ dẫn khác theo yêu cầu

+ Cảng xếp hàng

+ Cảng dỡ hàng

+ Tên, địa chỉ người gửi hàng

+ Tên, địa chỉ người nhận hàng

+ Đại lý, bên thông báo chỉ định

+ Tên hàng, ký mã hiệu, số lượng kiện, trọng lượng cả bì hoặc thể tích

+ Cước phí và phụ phí trả cho người vận tải, điều kiện thanh toán

+ Thời gian và địa điểm cấp vận đơn

+ Số bản gốc vận đơn

+ Chữ ký của người vận tải (hoặc của thuyền trưởng hoặc người đại diện của thuyền trưởng, hoặc đại lý)

Nội dung của vận đơn
Những nội dung cần thiết trong vận đơn

Tác dụng của vận đơn

Vận đơn sẽ có những tác dụng sau:

+ Sử dụng làm căn cứ để kê khai hải quan, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa

+ Làm chứng từ cầm cố, mua bán, chuyển nhượng hàng hóa

+ Làm tài liệu kèm theo hóa đơn thương mại trọng bộ chứng từ người bán gửi cho người mua để thanh toán phí hàng.

+ Giúp xác định số lượng hàng hóa được người bán gửi, giúp thống kê, ghi sổ và theo dõi thực hiện hợp đồng.

Cơ sở pháp lý của vận đơn

Cơ sở pháp lý của vận đơn là quy định về nguồn luật điều chỉnh các điều khoản của vận đơn và giải quyết tranh chấp giữa chủ hàng với người vận tải. Nguồn luật này ngoài luật quốc gia còn có các công ước quốc tế có liên quan như quy tắc La Haye và công ước Brussel 25/8/1924, Nghị định thư Visby 1968 hoặc công ước Hamburg 1978 về vận đơn đường biển.

Trên đây là những thông tin chi tiết nhất liên quan đến vận đơn chúng tôi muốn chia sẻ. Hy vọng thông bài viết sẽ hữu ích và giúp bạn hiểu được vận đơn là gì.

Bài viết liên quan