Bao bì đóng gói hàng hóa là gì? Phân loại và chức năng

42 lượt xem

Theo báo cáo “The Future of Global Packaging to 2022”, nhu cầu bao bì toàn cầu tiếp tục tăng trưởng với mức 2,9%. Doanh số bao bì toàn cầu tăng 3%, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 4% từ năm 2018. Tại châu Á, doanh số chiếm 36% tổng thị trường, trong khi Bắc Mỹ và Tây Âu lần lượt đạt 23% và 22%. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng bao bì đóng hàng rất lớn. Vậy bao bì đóng gói hàng hóa là gì? Chức năng của bao bì đóng hàng thế nào? Có những loại bao bì nào được sử dụng hiện nay? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau.

Nội Dung

Bao bì đóng gói hàng hóa là gì?

Bao bì đóng gói hàng hóa là một loại vật liệu dùng để chứa đựng và bảo vệ sản phẩm, giúp dễ dàng bảo quản, vận chuyển, xếp dỡ và tiêu thụ. Bao bì xuất hiện từ thời cổ đại, khi con người sử dụng lá cây lớn như lá bầu, lá bí để bao gói đồ đạc hay dùng da thú và vỏ cây làm giỏ để vận chuyển thực phẩm. Ban đầu, bao bì chủ yếu phục vụ mục đích chứa đựng và di chuyển.

bao-bi-dong-goi-hang-hoa-la-gi
Bao bì đóng gói hàng hóa là một loại vật liệu dùng để chứa đựng và bảo vệ sản phẩm

Khi nhận ra hạn chế của các vật liệu thô sơ này, con người đã tìm ra những nguyên liệu tốt hơn như gốm sứ và thủy tinh. Từ 8.000 năm trước, người Trung Quốc đã tạo ra các bình gốm để chứa và bảo quản chất lỏng, thực phẩm. Tuy nhiên, sự nặng nề và dễ vỡ của gốm và thủy tinh đã thúc đẩy sự ra đời của bao bì giấy và nhựa, hai loại vật liệu vẫn được sử dụng phổ biến cho đến ngày nay.

Bao bì hiện đại không chỉ cải tiến về chất liệu, hình dáng và màu sắc mà còn đảm nhiệm nhiều vai trò hơn, từ bảo vệ sản phẩm đến thu hút người tiêu dùng bằng thiết kế độc đáo.

Chức năng của bao bì đóng gói hàng hóa

Bao bì có vai trò và chức năng quan trọng trong đời sống. Cụ thể:

Chứa đựng, bảo quản và bảo vệ hàng hóa

Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm không chỉ được sản xuất để tiêu dùng mà còn phải qua quá trình trao đổi và lưu thông. Vì vậy, bao bì trở thành yếu tố thiết yếu để bảo vệ và vận chuyển sản phẩm từ nơi này sang nơi khác. Ngoại trừ một số ngành như khai thác khoáng sản và xây dựng, hầu hết các sản phẩm khi sản xuất ra đều cần có bao bì để đóng gói.

Bao bì giúp bảo vệ hàng hóa khỏi các tác động xấu từ môi trường cũng như những ảnh hưởng trong quá trình lưu kho, vận chuyển, bốc xếp và tiêu dùng. Nó đảm bảo sản phẩm không bị hao hụt về số lượng, giảm chất lượng hay mất mát trong quá trình phân phối. Bao bì còn giúp ngăn ngừa các yếu tố thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm và tác động từ côn trùng, động vật, giúp duy trì giá trị sử dụng của sản phẩm.

chuc-nang-cua-bao-bi-dong-goi-hang-hoa
Chứa đựng, bảo quản và bảo vệ hàng hóa

Thông tin, quảng cáo

Người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết và phân biệt các sản phẩm thông qua bao bì với hình dáng, thiết kế, phương pháp in ấn và trang trí nhãn hiệu. Bao bì không chỉ giúp phân biệt sản phẩm, mà còn làm nổi bật sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, giúp khách hàng chọn lựa đúng sản phẩm họ cần.

Bao bì cũng cung cấp thông tin quan trọng cho khách hàng về các yêu cầu pháp lý và hướng dẫn sử dụng. Những thông tin này có thể bao gồm điều kiện lưu kho, cách lắp đặt, vận chuyển, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng, mã số, mã hiệu kiện hàng và các biện pháp phòng ngừa như tránh nắng, mưa, hàng dễ vỡ. Ngoài ra, các thông tin về số lượng và chất lượng trên bao bì giúp khách hàng đánh giá và so sánh lợi ích trước khi mua hàng.

Hợp lý hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển

Việc đóng gói hàng hóa cần đảm bảo tạo ra các đơn vị phù hợp cho quá trình vận chuyển, bốc xếp, sử dụng và mở bao bì. Theo đó, bao bì phải gom hóa thành những đơn vị tiện lợi cho tiêu dùng, kinh doanh và vận chuyển, phù hợp với từng điều kiện phân phối và lưu thông.

Dùng trong thương mại

Chức năng này thể hiện qua khả năng quảng bá, thu hút và tạo ấn tượng của bao bì. Sự hấp dẫn của bao bì đến từ tính thẩm mỹ, tính tiện lợi và sự hợp lý trong thiết kế. Thông tin trên bao bì nếu được trình bày rõ ràng, sinh động, ngắn gọn và dễ ghi nhớ sẽ lôi cuốn khách hàng, tạo hứng thú và tăng cường sự chú ý đến sản phẩm.

Phân loại bao bì đóng gói hàng hóa

Hiện có thể phân loại bao bì đóng gói hàng hóa thành 3 loại chính gồm: theo chức năng, theo số lần sử dụng và theo vật liệu. Cụ thể:

Bao bì sản phẩm theo chức năng

Theo cách phân loại này, bao bì được chia thành bao bì bên trong và bao bì bên ngoài.

  • Bao bì bên trong (bao bì cấp 1): Đây là loại bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm và thường được tính chung vào giá thành sản phẩm. Ví dụ: bao bì đựng thạch rau câu, muối, mì chính, xi măng,…
  • Bao bì bên ngoài (bao bì cấp 2, cấp 3): Loại bao bì này dùng để bảo vệ sản phẩm trong quá trình vận chuyển, giúp đảm bảo chất lượng và số lượng. Tùy vào khả năng tái sử dụng của bao bì, giá trị của nó có thể được tính ngay vào giá sản phẩm hoặc chỉ tính một phần.
phan-loai-bao-bi-theo-chuc-nang
Bao bì sản phẩm theo chức năng

Bao bì sản phẩm theo số lần sử dụng

Bao bì sản phẩm được chia thành 2 loại: dùng một lần và dùng nhiều lần:

  • Bao bì dùng một lần chỉ được sử dụng trong suốt quá trình từ sản xuất đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Giá trị của nó được tính vào giá sản phẩm và hầu như không thể tái sử dụng.
  • Bao bì dùng nhiều lần có thể được tái sử dụng sau khi hoàn thành nhiệm vụ ban đầu. Loại này thường bao gồm các bao bì bên ngoài hoặc bên trong được làm từ kim loại hoặc chất dẻo tổng hợp, đảm bảo độ bền và khả năng tái sử dụng.
bao-bi-su-dung-1-lan
Bao bì sử dụng 1 lần

Bao bì theo vật liệu chế tạo

Bao bì đóng gói hàng hóa còn có thể phân theo chất liệu sử dụng, cụ thể:

  • Bao bì gỗ: Dễ sản xuất và sử dụng, có độ bền cao và khả năng tái sử dụng, nhưng nặng, dễ hút ẩm, dễ cháy và bị phá hoại bởi mối mọt, chuột.
  • Bao bì kim loại: Có độ bền cao và có thể tái sử dụng nhiều lần, nhưng chi phí sản xuất cao và trọng lượng nặng. Thường dùng cho các sản phẩm đặc biệt như chất dễ cháy, nổ, bay hơi hoặc độc hại (xăng, dầu, oxy, thuốc trừ sâu).
  • Bao bì giấy (carton, bìa): Phổ biến, không độc, chống ẩm cơ bản, chịu va đập tốt và dễ in ấn, trang trí. Bao bì giấy có khả năng tái chế và thân thiện với môi trường.
  • Bao bì thủy tinh, gốm: Chủ yếu chứa đựng các sản phẩm dạng lỏng như dược phẩm, hóa chất, rượu bia, nước giải khát. Không độc, không phản ứng với sản phẩm, nhưng dễ vỡ khi va chạm và khó vận chuyển đường xa.
  • Bao bì dệt: Làm từ đay, gai hoặc vải sợi nilon, thường chứa các sản phẩm dạng hạt rời. Bao bì này mềm, dễ xếp chồng nhưng dễ rách và bị côn trùng phá hoại.
  • Bao bì mây, nứa, tre đan: Thường ở dạng giỏ, lẵng, rổ, có nguồn nguyên liệu phong phú, dễ sản xuất và tái sử dụng. Bao bì này lý tưởng để vận chuyển và chứa đựng rau quả hoặc các sản phẩm khác.

Các loại kích thước bao bì phổ biến

Có rất đa dạng kích thước bao bì đóng gói hàng hóa. Tùy theo từng nhóm/loại hàng mà bao bì sẽ có những kích thước khác nhau. Dưới đây là phân loại kích thước bao bì hàng hóa theo các  nhóm hàng hóa cụ thể:

Nhóm thực phẩm (Gạo)

  • 1kg: Kích thước 16cm x 28cm, chất liệu OPP/PE hoặc PA/PE, có thể làm theo kiểu xếp hộp, ép 3 biên hoặc ép lưng giữa.
  • 2kg: Kích thước 20cm x 32cm, chất liệu OPP/PE hoặc PA/PE, kiểu dáng tương tự xếp hộp, ép 3 biên hoặc ép lưng giữa.
  • 5kg: Kích thước 30cm x 48cm, chất liệu PA/PE hoặc PP dệt, PP ghép BOPP, có thể đục lỗ xách hoặc may quai.
  • 10kg: Kích thước 40cm x 58cm, chất liệu PA/PE hoặc PP dệt, PP ghép BOPP, kiểu dáng có thể đục lỗ xách hoặc may quai.
  • 20kg: Kích thước tiêu chuẩn 45cm x 75cm, chất liệu PP hoặc PP ghép BOPP.
  • 25kg: Kích thước tiêu chuẩn 50cm x 80cm, chất liệu PP hoặc PP ghép BOPP.
  • 50kg: Kích thước tiêu chuẩn 60cm x 95cm, chất liệu PP hoặc PP ghép BOPP.

Nhóm gỗ viên, mùn cưa

Bao bì thường được sản xuất với hai tải trọng phổ biến: 15kg và 20kg.

  • 15kg: Kích thước 45cm x 75cm.
  • 20kg: Kích thước 50cm x 80cm.

Chất liệu có thể là PE hoặc PP dệt, với thiết kế trong suốt giúp người dùng dễ dàng quan sát sản phẩm bên trong.

Nhóm thức ăn gia súc, gia cầm

Thức ăn gia súc, gia cầm

  • 25kg: 52cm x 90cm
  • 40kg: 60 x 100cm

Thức ăn thủy sản

  • 25kg: 60cm x 100cm
  • 40kg: 70 cm x 130cm

Nhóm phân bón

Phân hữu cơ vi sinh

  • 40kg: 55 x 90cm
  • 50kg : 60 x 100cm

Phân bón NPK

  • 50kg: 60cm x 93cm

Phân bón Vi lượng

  • 20kg: 45cm x 65cm
kich-thuoc-bao-bi
Kích thước bao bì đa dạng theo nhóm hàng hóa

Yêu cầu – quy định về bao bì sản phẩm 

Bao bì ảnh hưởng đến chất lượng cũng như quá trình vận chuyển và bán sản phẩm. Chính vì thế, khi chọn bao bì đóng gói hàng bạn cần lưu ý đến các yêu cầu, quy định sau:

Bao bì đóng gói sản phẩm cần có thông tin đầy đủ

Theo quy định về bao bì sản phẩm, tất cả thông tin cần thiết như thành phần, cách sử dụng, công dụng, lưu ý, hạn sử dụng, nơi sản xuất và mã vạch phải được ghi rõ ràng và đầy đủ trên bao bì. Nếu thông tin bị thiếu hoặc ghi sai, công ty hoặc doanh nghiệp sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Không độc hại và phù hợp với sản phẩm

Đây là quy định cơ bản áp dụng cho tất cả các loại bao bì sản phẩm. Bao bì có thể được làm từ nhựa, giấy, carton, kim loại, thủy tinh,… Tuy nhiên, bất kể sản phẩm nào, yêu cầu quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Bao bì phải ngăn chặn các biến đổi hóa học trong quá trình bảo quản sản phẩm. Hiện nay, nhằm bảo vệ môi trường, bao bì sản phẩm cần đáp ứng tiêu chí phân hủy và thân thiện với môi trường.

quy-dinh-ve-bao-bi-dong-goi
Không độc hại và phù hợp với sản phẩm

Đảm bảo độ thẩm mỹ

Kiểu dáng, kích cỡ và chất liệu của bao bì cần phù hợp với đặc tính của sản phẩm. Bao bì phải được thiết kế độc đáo với họa tiết bắt mắt và nội dung phải liên quan chặt chẽ đến sản phẩm, phù hợp với từng nhóm đối tượng mục tiêu. Điều này không chỉ giúp nâng cao khả năng bán hàng mà còn tạo sự hứng thú cho người tiêu dùng.

Bảo vệ sản phẩm

Bảo vệ sản phẩm là chức năng và yêu cầu hàng đầu của bao bì. Bao bì cần đảm bảo an toàn cho sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển, từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng, trong các điều kiện tối ưu nhất. Nó phải có kết cấu chắc chắn để giữ nguyên các đặc tính của sản phẩm, như mùi vị, độ ẩm và hình dáng, đồng thời bảo vệ sản phẩm khỏi những va chạm có thể xảy ra.

Lưu ý khi lựa chọn phụ kiện bao bì đóng gói hàng hóa

Ngoài việc nắm rõ các quy định về quy cách đóng gói hàng hóa, bạn cũng cần lưu ý một số điều cơ bản sau:

  • Xác định đặc tính hàng hóa là điều rất quan trọng. Việc nhận diện những đặc điểm này sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp đóng gói và phụ kiện phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả bảo quản và bảo vệ hàng hóa.
  • Để đảm bảo việc đóng gói hiệu quả, bạn cần sử dụng các phụ kiện đóng gói kèm theo như băng keo, màng co, túi bọt khí, bao nilon, và bao bì giấy như thùng carton. Những phụ kiện này đóng vai trò quan trọng trong việc chống va đập, bảo vệ sản phẩm khỏi hư hỏng do oxy hóa, bong tróc hoặc gỉ sét trong quá trình vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Trên đây là những thông tin chi tiết về bao bì đóng gói hàng hóa. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích, giúp bạn hiểu hơn về các loai bao bì và lựa chọn được sản phẩm phù hợp.

Bài viết liên quan